Breadcrumb

  1. Home
  2. Thông tin bằng tiếng Việt
  3. Bảo Mật

Bảo Mật

Lưu ý: Nhân viên của liên bang và người xin việc có quy trình khiếu nại khác.

Thông tin về cá nhân đã liên hệ với EEOC là bí mật và sẽ không được tiết lộ cho chủ lao động cho đến khi cá nhân này nộp cáo buộc phân biệt đối xử. Khi một cá nhân nào đó liên hệ với EEOC, họ sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin, có thể gồm:

1.     Tên, địa chỉ, số điện thoại, ngày sinh của mình

2.     Số An Sinh Xã Hội (tùy chọn)

3.     Tên, địa chỉ và số điện thoại của chủ lao động

4.     Số nhân viên gần đúng của chủ lao động

5.     Ngày chịu thiệt hại

6.     Giải thích của chủ lao động về hành động của họ (nếu có)

7.     Lý do cá nhân đó tin rằng hành động đã xảy ra với mình là phân biệt đối xử

8.     Tên của các cá nhân đã được đối xử ưu ái hơn (nếu có)

Thông tin này sẽ được sử dụng cho mục đích lưu hồ sơ và để xác định liệu tình huống đó có thuộc phạm vi xử lý của EEOC hay không. Nhân viên EEOC phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về bảo mật của pháp luật.

Sau khi đã nộp cáo buộc, tên của cá nhân và thông tin cơ bản về cáo buộc phân biệt đối xử sẽ được tiết lộ cho chủ lao động. Theo quy định của pháp luật, chúng tôi phải thông báo cho chủ lao động về cáo buộc trong vòng 10 ngày kể từ ngày cáo buộc được nộp cho chúng tôi. Trong thời gian diễn ra cuộc điều tra, EEOC có thể chia sẻ một số thông tin nhất định với bên cáo buộc và bị đơn. Theo quy định của pháp luật, EEOC phải bảo mật thông tin về cáo buộc và sẽ không tiết lộ ra công chúng thông tin liên quan đến cáo buộc.

Tiếp Tục Ẩn Danh

Khi nộp cáo buộc, quý vị phải cho chúng tôi biết tên của mình. Tên của quý vị phải xuất hiện trên cáo buộc, và quý vị phải ký tên vào cáo buộc này. Theo quy định của pháp luật, chúng tôi phải gửi cáo buộc của quý vị tới chủ lao động để chủ lao động có thể trả lời các yêu cầu trong cáo buộc này. Nếu quý vị muốn tiếp tục ẩn danh, chúng tôi sẽ chấp nhận cáo buộc được nộp thay cho người là nạn nhân của hành vi phân biệt đối xử. Cáo buộc có thể do một người hoặc một tổ chức nộp. Trong những trường hợp này, chúng tôi thường không cho chủ lao động biết cáo buộc đó là của ai, nhưng chúng tôi sẽ cho chủ lao động biết tên của người hoặc tổ chức đã nộp cáo buộc này.

Tuy nhiên, trên thực tế, do bối cảnh của cáo buộc nên có thể khó mà che giấu được danh tính của người tin rằng mình đã là nạn nhân của hành vi phân biệt đối xử trong suốt thời gian điều tra, ngay cả khi tên này chưa bao giờ được tiết lộ.

Cha/mẹ cũng có thể muốn nộp cáo buộc “thay cho” con mình đang trong độ tuổi vị thành niên hoặc bị suy giảm trí tuệ.

Sự Trả Thù của Chủ Lao Động

Chủ lao động của quý vị không được sa thải, giáng chức, quấy rối, hoặc “trả thù” quý vị theo một cách khác vì đã nộp cáo buộc. Theo tất cả các luật chúng tôi thực thi, hành vi trả thù của chủ lao động với ai đó đã nộp cáo buộc hoặc ai đó đã tham gia vào cuộc điều tra hoặc vụ kiện tụng của EEOC là bất hợp pháp.

Nếu quý vị cảm thấy đã bị trả thù, quý vị phải nhanh chóng liên hệ với điều tra viên đang xem xét cáo buộc của quý vị. Điều tra viên này sẽ nói chuyện với quý vị về tình huống đó và bổ sung khiếu nại về hành vi trả thù vào cáo buộc của quý vị, nếu thấy phù hợp. Nếu khiếu nại về hành vi trả thù được bổ sung vào cáo buộc của quý vị, chúng tôi sẽ cho chủ lao động biết rồi sau đó tiến hành điều tra khiếu nại về hành vi trả thù này cùng với các khiếu nại khác trong cáo buộc của quý vị. Xin lưu ý rằng, quý vị phải tuân thủ nghiêm ngặt thời hạn nộp cáo buộc nếu quý vị muốn bổ sung một cáo buộc. Thực tế là việc quý vị nộp một cáo buộc sớm hơn không có nghĩa là thời hạn này được kéo dài. Vì lý do này, quý vị nên liên hệ với chúng tôi sớm nhất có thể.